Kế toán là gì?
“Accounting is the language of business”
Mỗi doanh nghiệp, tổ chức trong xã hội đều cần phải có một lượng tài sản nhất định để tiến hành, duy trì hoạt động. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp thực hiện các giao dịch tài chính (financial transactions) như: mua hàng, bán hàng, sản xuất, vay vốn đầu tư, trả lương cho nhân viên… Những giao dịch này làm thay đổi lượng tài sản vốn có của doanh nghiệp. Nhiệm vụ của Kế toán là ‘số hóa’ những thay đổi này — ghi chép, kiểm tra và cung cấp một cách hệ thống, toàn diện các thông tin về tình hình hoạt động tài chính của doanh nghiệp, tổ chức.
Kế toán giúp trả lời những câu hỏi: Doanh nghiệp sản xuất mặt hàng nào? Giá bán là bao nhiêu? Hoạt động của doanh nghiệp lãi hay lỗ? Tài sản của doanh nghiệp còn bao nhiêu?… thông qua các hoạt động:
- Thu nhận: Ghi chép lại các hoạt động kinh tế vào các chứng từ kế toán (journal entries).
- Xử lý: Hệ thống hóa các thông tin từ chứng từ kế toán vào sổ sách kế toán (ledgers).
- Cung cấp: Tổng hợp số liệu để lập các báo cáo tài chính (financial statements).
- Bản cân đối kế toán (Balance sheet)
- Báo cáo thu nhập/Báo cáo lãi lỗ (Income statement)
- Báo cáo lưu chuyển tiền mặt (Cash flow statement)
- Báo cáo vốn chủ sở hữu (Statement of owner’s equity)
Bằng việc ‘số hóa’ hàng trăm, hàng nghìn giao dịch tài chính vào bốn bản báo cáo tài chính cơ bản, Kế toán không chỉ giúp những người trong nội bộ doanh nghiệp đưa ra các quyết định kịp thời để vận hành hiệu quả công việc kinh doanh, mà còn cung cấp thông tin cho cả những người bên ngoài doanh nghiệp như cổ đông, ngân hàng cho vay, đối thủ cạnh tranh, các cơ quan quản lý nhà nước…, giúp họ ra các quyết định phù hợp với mục tiêu mà họ quan tâm. Vậy mới nói “Kế toán là ngôn ngữ của kinh doanh”— Chỉ cần đọc hiểu được những báo cáo tài chính là bạn cơ bản đã nắm được tình hình hoạt động của một doanh nghiệp, tổ chức rồi!
Kế toán có thực sự khô khan và tẻ nhạt? Làm gì nếu học Kế toán?
Khi nhắc tới Kế toán, nhiều người thường liên tưởng đến cảnh một nhân viên ngồi thu lu trong góc văn phòng, bên trái là chồng tài liệu sổ sách, bên phải là chiếc Casio huyền thoại, ngày 8 tiếng bấm bấm máy tính, gõ file excel những con số tẻ nhạt, vô nghĩa. Công việc hàng ngày của Kế toán viên có thật quanh đi quẩn lại chỉ có những phép tính, những tờ giấy, máy tính và báo cáo tài chính?
Tất nhiên là không rồi! Trái với hình dung của nhiều người, công việc Kế toán thực ra vô cùng đa dạng, phong phú. Ngoài việc thu thập, xử lý thông tin để đưa vào báo cáo tài chính, Kế toán viên còn đóng vai trò là những chuyên gia phân tích, tư vấn, thậm chí có thể trở thành những điều tra viên, thám tử khi cần thiết. Còn ai hiểu sâu và thông thạo thông tin kinh tế tài chính hơn chính những con người sử dụng “ngôn ngữ của kinh doanh” hàng ngày như thế?
Dù bạn thích đi đây đi đó hay thích sự ổn định, thích sự rõ ràng, rành mạch hay thích phán đoán, dự liệu, thích công việc văn phòng yên tĩnh với một vài đồng nghiệp quen thuộc hay thích giao tiếp với khách hàng, gặp gỡ nhiều người mới mẻ một cách thường xuyên— Kế toán đều có công việc phù hợp dành cho bạn. Tùy thuộc vào sở thích, tính cách, kĩ năng, phong cách làm việc, sinh viên học ngành Kế toán có vô số lựa chọn nghề nghiệp, từ những vị trí truyền thống như thủ quỹ, giữ sổ sách, kế toán kho, kế toán tổng hợp…, cho tới các lĩnh vực khác như Kiểm toán (Auditing), Thuế (Taxation), Tư vấn tài chính (Financial Advisory), Tư vấn chiến lược (Strategic Consulting), Thẩm định (Due Diligence), Định giá doanh nghiệp (Business Valuation)… Đây đều là những ngành đòi hỏi kiến thức Kế toán nền tảng thật vững chắc.
Dù theo đuổi bất kì con đường sự nghiệp nào, để làm tốt công việc, một Kế toán viên cần hội tụ ít nhất hai phẩm chất: trung thực và cẩn thận. Kế toán viên được mệnh danh là những người bảo hộ của thông tin tài chính (guardians of financial information); họ đảm bảo rằng bất kì ai muốn sử dụng những thông tin đó đều có thể tin tưởng nó. Bởi vậy, Kế toán viên phải cung cấp các thông tin một cách khách quan, minh bạch và đáng tin cậy. Bên cạnh đó, nghề Kế toán luôn gắn liền với tài liệu, sổ sách, giấy tờ chứa đựng những con số ‘biết nói’ quan trọng về tình hình tài chính của đơn vị, vì thế Kế toán viên phải cực kì cẩn thận, tỉ mỉ trong việc giữ gìn tài liệu cũng như tính toán, phân tích những con số để làm sao chúng ‘nói’ chính xác nhất với người sử dụng thông tin.
Phân loại Kế toán
Nguồn: Internet