Nhiều doanh nghiệp để xây dựng một chiến lược duy trì nhân sự hiệu quả khi mà đời sống xã hội ngày càng được nâng cao đã lựa chọn tài trợ cho người lao động nhiều gói bảo hiểm khác nhau. Nhờ đó mà nhân viên được an tâm hơn để cống hiến hết mình cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Câu hỏi đặt ra là chi phí cho các khoản bảo hiểm mà doanh nghiệp chi trả cho người lao động này có được trừ khi tính thuế TNDN hay không, và người lao động có chịu thuế TNCN cho phần lợi ích được doanh nghiệp trả thay này?
2 loại bảo hiểm mà doanh nghiệp thường lựa chọn tài trợ cho người lao động?
Hiện nay trên thị trường có hai gói bảo hiểm tiêu biểu mà doanh nghiệp hay lựa chọn tài trợ cho người lao động, đó là bảo hiểm tích lũy và bảo hiểm không tích lũy. IAC Hà Nội sẽ cung cấp thông tin tóm lược về 2 loại bảo hiểm này để chủ doanh nghiệp có thể nắm được và là cơ sở để đưa ra lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp.
1. Bảo hiểm tích lũy, tiêu biểu là bảo hiểm nhân thọ
- Bảo hiểm dài hạn, kỳ hạn kéo dài từ 8 đến 20 năm, phí bảo hiểm được đóng hàng năm. Đặc tính của bảo hiểm nhân thọ là vừa bảo hiểm vừa tiết kiệm đầu tư;
- Số tiền phí bảo hiểm trong thời gian đóng giống như một khoản tiết kiệm có lãi và sẽ được quyết toán lấy về sau khi hết thời gian bảo hiểm;
- Thêm vào đó, trong thời gian được bảo hiểm, trường hợp không may xảy ra rủi ro thì người lao động có thể được công ty bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm được cam kết trong hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể bổ sung những điều khoản như phía bảo hiểm sẽ thanh toán viện phí hay hỗ trợ chi phí nằm viện trong thời gian người lao động điều trị tại bệnh viện. Chính vì điều khoản này nên nhiều doanh nghiệp nhầm lẫn bảo hiểm nhân thọ với bảo hiểm sức khỏe.
2. Bảo hiểm không tích lũy, tiêu biểu là bảo biểm sức khỏe – bảo hiểm phi nhân thọ
- Đặc điểm của bảo hiểm sức khỏe là mua theo từng năm một, sau một năm nếu có nhu cầu khách hàng tiếp tục mua bảo hiểm cho năm tiếp theo;
- Số tiền phí đóng bảo hiểm sẽ không được tích lũy và trả lại giống như bảo hiểm nhân thọ mà sẽ bị mất như một khoản phí đóng cho công ty bảo hiểm (giống như loại bảo hiểm với ô tô, xe máy);
- Sau khi mua bảo hiểm, người lao động sẽ được cấp một thẻ bảo hiểm tương ứng với mức quyền lợi được hưởng, người lao động có thể chọn được bảo lãnh viện phí tại các bệnh viện. Đây chính là một trong những ưu điểm lớn của loại bảo hiểm này. Chính vì thế loại sản phẩm này được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để tài trợ cho người lao động.
Hai loại bảo hiểm này có những điểm tương đồng nhưng cũng có những khác biệt rất cụ thể về nội dung bảo hiểm cũng như các quy định về thuế TNDN, thuế TNCN liên quan. Để biết cách tính khấu trừ hay không khấu trừ khi xác lập thuế TNCN và thuế TNDN mời bạn đọc theo dõi ở phần tiếp theo.
Quy định thuế TNDN và thuế TNCN đối với khoản tài trợ 2 loại bảo hiểm này?
1. Bảo hiểm tích luỹ
Luật thuế |
Văn bản pháp lý |
Quy định cụ thể |
Thuế TNDN |
Thông tư 78/2014/TT-BTC; Thông tư 96/2015/TT-BTC;
Nghị định 146/2017/NĐ-CP. |
Là chi phí được trừ nếu đảm bảo đồng thời các điều kiện sau:
– Có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp;
– Thanh toán không dùng tiền mặt với hóa đơn trên 20 triệu đồng;
– Phải quy định cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong số các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính; Quy chế thưởng;…
– Doanh nghiệp phải tham gia các khoản bảo hiểm bắt buộc trước khi mua các loại bảo hiểm khác;
– Khoản mua bảo hiểm nhân thọ không được vượt mức 01 triệu đồng/tháng/người theo Thông tư 78/2014/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 02/08/2014; Thông tư 96/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 06/08/2015 bỏ mức khống chế; Nghị định 146/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/02/2018 quy định lại mức khống chế là 03 triệu đồng/tháng/người.
|
Thuế TNCN
|
Căn cứ vào Thông tư 111/2013/TT-BTC và Thông tư 92/2015/TT-BTC.
|
Tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động:
– Nếu doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam thì: Khi mua bảo hiểm, người sử dụng lao động chưa phải khấu trừ thuế TNCN của người lao động; đến thời điểm đáo hạn hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí tích lũy tương ứng với phần người sử dụng lao động mua cho người lao động. Nếu khoản phí tích lũy được trả nhiều lần thì tiền thuế được khấu trừ theo tỷ lệ 10% tương ứng từng lần trả tiền phí tích lũy này;
– Nếu doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam nhưng được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam thì: Khi mua bảo hiểm, người sử dụng lao động có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN của người lao động theo tỷ lệ 10% tính trên khoản phí đã mua hoặc đóng góp cho người lao động trước khi chi trả lương.
|
Bảo hiểm không tích lũy
Loại thuế |
Văn bản pháp lý |
Quy định cụ thể
|
Thuế TNDN |
Thông tư 78/2014/TT-BTC; Thông tư 96/2015/TT-BTC;
Nghị định 146/2017/NĐ-CP. |
Là chi phí được trừ nếu đảm bảo đồng thời các điều kiện sau:
– Có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp;
– Thanh toán không dùng tiền mặt với hóa đơn trên 20 triệu đồng;
– Phải quy định cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong số các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính; Quy chế thưởng;…
– Doanh nghiệp phải tham gia các khoản bảo hiểm bắt buộc trước khi mua các loại bảo hiểm khác.
|
Thuế TNCN
|
Căn cứ vào Thông tư 111/2013/TT-BTC và Thông tư 92/2015/TT-BTC.
|
Không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động kê từ ngày 01/01/2015.
|
Kết luận:
- Đối với bảo hiểm tích lũy sẽ bị khống chế ở mức 3 triệu đồng/người/tháng để tính chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN và phần tích lũy sẽ chịu thuế TNCN.
- Còn với bảo hiểm không tích lũy chỉ cần quy định trong hồ sơ lao động liên quan thì phần chi phí được trừ khi tính thuế TNDN và không phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
Trên đây là phân tích của IAC Hà Nội, hi vọng qua bài viết này sẽ mang đến cho Quý độc giả những thông tin hữu ích trong việc lựa chọn các gói bảo hiểm cho người lao động trong DN vừa phù hợp và đảm bảo lợi ích cho người lao động và doanh nghiệp.
GIẢI PHÁP TOÀN DIỆN – PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
IAC HÀ NỘI – HOTLINE: 093 566 1111