Đại dịch COVID-19 càn quét khốc liệt trên phạm vi toàn thế giới, gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ lên nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Trước tác động đó, Chính phủ đã triển khai kịp thời các giải pháp thiết thực hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động hướng tới mục tiêu duy trì và phát triển hoạt động sản xuất – kinh doanh; ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Ngày 13/09/2023, Bà Hà Thị Thu Trang – Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán tư vấn độc lập – Chi nhánh Hà Nội (IACHN), thay mặt IACHN đã tham dự Hội thảo khoa học về “Đánh giá chính sách Ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19” được tổ chức bởiTrường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại buổi hội thảo, các chuyên gia hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các học giả và các khách mời là đại diện của các doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều nội dung hữu ích liên quan.
1. Chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế
- Trong suốt thời kỳ trong và sau đại dịch Covid từ năm 2020-2022,Chính phủ đã ban hành liên tục các chính sách hoãn nộp thuế GTGT, TNDN, tiền thuê đất và TTĐB của Ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước từ 3- 5 tháng.Nghị định 41/2020/NĐ-CP
Nghị định 52/2021/NĐ-CP
Nghị định 34/2022/NĐ-CP
Nghị định 12/2023/NĐ-CP
Đánh giá sơ bộ tác động của chính sách gia hạn nộp thuế như sau:
-
- Đối tượng: Hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh đều được hưởng chính sách hỗ trợ này.
- Thuận lợi: Giúp doanh nghiệp tận dụng được nguồn vốn, giảm áp lực tài chính trước mắt, duy trì phục hồi sản xuất kinh doanh. Chính sách hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp, cá nhân và hộ kinh doanh.
- Khó khăn: Thủ tục áp dụng không phát sinh bất cập và tồn tại nào. Tuy nhiên, các doanh nghiệp mới thành lập, đang đầu tư hoặc mới đi vào sản xuất thì chưa phát sinh thuế phải nộp là đối tượng chưa được hưởng lợi hoặc ít được hưởng lợi từ các chính sách gia hạn nộp thuế này, hoặc những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng trong đại dịch như du lịch, hàng không, vận tải, ăn uống, có kết quả kinh doanh thua lỗ hoặc giảm sút nghiêm trọng.
2. Chính sách giảm thuế TNDN
- Một trong nhóm giải pháp cấp bách ngắn hạn trong năm 2020 và 2021 là cơ chế giảm 30% số thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ.
Nghị định 114/2020/NĐ-CP
Nghị định 92/2021/NĐ-C
Đánh giá sơ bộ tác động của chính sách giảm thuế TNDN
- Đối tượng: Hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh được hưởng chính sách hỗ trợ này.
- Thuận lợi: Giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí thuế tận dụng được nguồn vốn, giảm áp lực tài chính, duy trì phục hồi sản xuất kinh doanh. Chính sách hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp.
- Khó khăn: Thủ tục áp dụng không phát sinh bất cập và tồn tại nào. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có quy mô doanh thu lớn dù gặp khó khăn lớn trong đại dịch lại là đối tượng chưa được hưởng lợi từ các chính sách giảm thuế này, hoặc những doanh nghiệp tái cấu trúc vào năm 2019 lại không đảm bảo tiêu chí giảm doanh thu trong năm 2021 so với năm 2019.
3. Chính sách giảm thuế GTGT
- Song song với việc giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ cũng đã ban hành chính sách giảm thuế GTGT thông qua việc giảm thuế suất GTGT với một số nhóm mặt hàng từ 10% xuống 8% hoặc mức giảm 2% đối với đối tượng nộp thuế GTGT theo PP trực tiếp. Chính sách này áp dụng từ năm 2021-2023.
Nghị định 92/2021/NĐ-CP
Nghị định 15/2022/NĐ-CP
Nghị định 44/2023/NĐ-CP
Đánh giá sơ bộ tác động của chính sách giảm thuế GTGT của Chính phủ:
-
- Đối tượng: Hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh được hưởng chính sách hỗ trợ này.
- Thuận lợi: Giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí thuế tận dụng được nguồn vốn, giảm áp lực tài chính, duy trì phục hồi sản xuất kinh doanh. Tiết kiệm 1 phần chi phí thuế, giá thành sản phẩm hàng hóa dịch vụ đến tay người tiêu dùng được giảm xuống, giúp kích cầu, gia tăng doanh số.
- Khó khăn: Tăng đáng kể chi phí tuân thủ của không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thuế và cả doanh nghiệp, khó khăn cho công tác điều chỉnh và áp dụng của cả những doanh nghiệp có bộ máy kế toán non yếu và cả các doanh nghiệp lớn, có cấu trúc phức tạp và bộ máy kế toán có quy mô. Nhất là giai đoạn từ năm 2021 cơ quan thuế bắt đầu triển khai trên phạm vi toàn diện các quy định về hóa đơn điện tử.
Việc áp dụng chính sách đã vô hình chung tăng rủi ro hơn cho doanh nghiệp bị phạt vi phạm hành chính khi áp dụng sai vì các mặt hàng được áp dụng giảm thuế suất khá đa dạng, khó khăn trong việc tham chiếu đúng danh mục giảm thuế. Khi triển khai chính sách này cho thấy nhiều khó khăn do cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, việc hiểu và hướng dẫn vận dụng tại cục thuế mỗi địa phương lại có sự khác nhau. Đặc biệt, một số loại hình cung cấp hàng hóa dịch vụ đặc thù quy định tại Khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP đang gặp khó khăn lớn khi áp dụng chính sách này, cụ thể tiền thu cung cấp hàng hóa dịch vụ là theo mức thuế suất 8%, nhưng phải xuất hóa đơn theo thuế suất 10%, dẫn tới thâm hụt doanh thu 2%.
4. Chính sách giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước
- Thực hiện từ năm 2020 đến năm 2022: Mức giảm là 15% (năm 2020) và 30% (2021, 2022) cho các đối tượng thuê đất trực tiếp từ nhà nước và trả tiền hằng năm
Quyết định 22/2020/QĐ-TTg
Quyết định 27/2021/QĐ-TTg
Quyết định 01/2023/QĐ-TTg
Đánh giá sơ bộ tác động của chính sách giảm thuế tiền thuê đất của Chính phủ:
-
- Đối tượng: Hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh có thuê đất trực tiếp của Nhà nước được hưởng chính sách hỗ trợ này.
- Thuận lợi: Giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí thuế tận dụng được nguồn vốn, giảm áp lực tài chính, duy trì phục hồi sản xuất kinh doanh. Chính sách hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp.
- Khó khăn: Thủ tục áp dụng ban hành chậm, người nộp thuế đã phải nộp số tiền thuế phát sinh của kỳ được giảm.
5. Chính sách giảm tiền thuế BVMT
- Thực hiện từ năm 2020 đến năm 2023: giảm 50% tiền thuế BVMT đối với các Nhiên liệu bay, Xăng, dầu, mỡ nhờn
Đánh giá sơ bộ tác động của chính sách giảm thuế BVMT của Chính phủ:
-
- Đối tượng: Hầu hết các thành phần kinh tế được hưởng chính sách hỗ trợ này.
- Thuận lợi: Giúp tiết kiệm chi phí đầu vào, tận dụng được nguồn vốn, giảm áp lực tài chính, duy trì phục hồi sản xuất kinh doanh.
- Khó khăn: Không phát sinh bất cập nào.
6. Một số chính sách khác
Ngoài ra, một số khoản thuế, phí và lệ phí cũng được miễn giảm trong giai đoạn này, ví dụ như sau:
- Năm 2020
- Nghị quyết 107/2020/QH14 về tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp 2021 – 2025.
- Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi Biểu thuế, trong đó giảm thuế NK đối với nhiều nhóm mặt hàng nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
- Quyết định 155/QĐ-BTC: Miễn thuế NK đối với các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch bệnh.
- 2 Nghị định về lệ phí môn bài và lệ phí trước bạ, 21 Thông tư để sửa đổi 31 Thông tư thu phí, lệ phí theo hướng miễn hoặc giảm mức thu.
- Năm 2021
- Thông tư 112/2020/TT-BTC và 47/2021/TT-BTC: giảm mức thu 30 loại phí, lệ phí từ 1/1/2021 đến 31/12/2021.
- Nghị định 92/2021/NĐ-CP Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các Doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020; Miễn thuế TNCN, GTGT, TTĐB, thuế tài nguyên, thuế BVMT phải nộp phát sinh của quý 3 và quý 4 năm 2021 của cá nhân, hộ kinh doanh.
- Năm 2022
- Nghị định 103/2021/NĐ-CP giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng từ 01/12/2021 đến 31/5/2022.
- Nghị định 101/2021/NĐ-CP điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu, áp dụng từ 30/12/2021.
- Thông tư 120/2021/TT-BTC giảm 37 khoản phí, lệ phí, áp dụng từ 01/01/2022 đến 31/12/2022.
- Năm 2023
- Nghị định 41/2023/NĐ-CP giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 01/07/2023 đến 31/12/2023
- Thông tư 44/2023/TT-BTC giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí
7. Thống kê tác động của các chính sách thông qua số thu NSNN
Ước tính về số tiền thuế và thu ngân sách nhà nước chịu tác động của chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi trong và sau dịch Covid-19 như sau:
|
Năm 2020 |
Năm 2021 |
Năm 2022 |
Năm 2023 |
Gia hạn |
97,5 nghìn tỷ đồng |
120 nghìn tỷ đồng |
135 nghìn tỷ đồng |
121 nghìn tỷ đồng |
Miễn giảm |
31,5 nghìn tỷ đồng |
25 nghìn tỷ đồng |
98 nghìn tỷ đồng |
75 nghìn tỷ đồng |
Tổng cộng |
129 nghìn tỷ đồng |
145 nghìn tỷ đồng |
233 nghìn tỷ đồng |
196 nghìn tỷ đồng |
Kiến nghị một số giải pháp
Trong bối cảnh dịch bệnh, trên góc độ cân đối nhiệm vụ ngân sách, ổn định kinh tế, chính trị và tình hình thực tế, các nhà soạn thảo chính sách đã nỗ lực rất nhiều để hài hòa giữa bài toán vĩ mô và các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp từ Chính phủ, đã có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh:
- Tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021 là 116.839 doanh nghiệp, giảm 13,4% so với năm 2020, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 43.116 doanh nghiệp, giảm 2,2% so với năm 2020.
- Số vốn đăng ký thành lập trong năm 2021 cũng chỉ đạt 1.661.109 tỷ đồng, giảm 27,9% so với năm 2020. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2021 là 4.135.966 tỷ đồng, giảm 25,8% so với năm 2020. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 16,8%.
- Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 54.960 doanh nghiệp, tăng 18% so với năm 2020, chủ yếu thuộc các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ (36,9%), xây dựng (13,8%), công nghiệp chế biến, chế tạo (11,9%). Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 48.127 doanh nghiệp, tăng 27,8% so với năm 2020 và tăng ở 16/17 lĩnh vực, trong đó các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là bán buôn, bán lẻ (35,7%), xây dựng (12,9%), công nghiệp chế biến, chế tạo (12%).
- Về doanh thu, khoảng 71% doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2020, trong đó có 87,5% doanh nghiệp trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống. Các ngành khác cũng có doanh thu giảm mạnh, với tỷ lệ doanh nghiệp dự tính giảm doanh thu dao động trong khoảng từ 45,9 – 87%.
Từ các số liệu trên cho thấy, vẫn còn những doanh nghiệp không được hưởng lợi và thậm chí không tiếp cận được chính sách hỗ trợ. Do đó, dựa trên chủ trương, định hướng và hỗ trợ từ Chính phủ, một số kiến nghị góp phần tiếp tục nâng cao hiệu quả của các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp như sau:
- Một là, năm 2023 vẫn đang cho thấy tình trạng khó khăn tài chính của hầu hết các doanh nghiệp, nên rất cần Chính phủ tiếp tục có những chính sách thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng tập trung hơn.
- Hai là, do ảnh hưởng của chi thường xuyên ngân sách, chi đầu tư công trong năm 2022 không đạt so với dự toán dẫn tới dòng tiền tham gia vào thị trường bị giảm đáng kể, ảnh hưởng dây chuyền đến các doanh nghiệp và các hoạt động kinh doanh khác, vì vậy tiến độ giải ngân đầu tư công cần được đẩy nhanh trong thời gian tới.
- Ba là, để đảm bảo hỗ trợ kịp thời, công bằng và đúng đối tượng chịu ảnh hưởng đáng kể của đại dịch, chính sách thuế có thể đưa ra theo hướng chi tiết theo đối tượng hơn nữa, trên cơ sở chọn lọc và phân loại ngành nghề để theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp và có thời gian ban hành phù hợp hơn.
- Bốn là, bên cạnh sự tuyên truyền hỗ trợ của Nhà nước, để đảm bảo vận dụng chính sách thuế được tối ưu, cộng đồng doanh nghiệp và những đơn vị tư vấn tuân thủ kế toán – thuế cần có những nỗ lực gắn kết, phát huy hơn nữa tinh thần tự nghiên cứu và học hỏi lẫn nhau.