Thông tư số 48/2019/TT-BTC ban hành ngày 08 tháng 08 năm 2019 hướng dẫn trích lập các Khoản dự phòng đã thực sự cởi trói cho doanh nghiệp trong việc đơn giản hóa cách xác định các khoản nợ phải thu khó đòi, thay thế cho Thông tư 228/2009/TT-BTC. Thay vì chứng minh “khách hàng không có khả năng thanh toán”, khái niệm mới định nghĩa nợ phải thu khó đòi là “Khoản phải thu có khả năng không thu hồi được đúng hạn”.
Cụ thể về những sửa đổi trong quy định trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, theo Khoản 3, Điều 2:
“3. Dự phòng nợ phải thu khó đòi: là dự phòng phần giá trị tổn thất của các khoản nợ phải thu đã quá hạn thanh toán và khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng có khả năng không thu hồi được đúng hạn.”
Như vậy với khái niệm mới này, Doanh nghiệp sẽ dễ dàng xác định các Khoản phải thu thuộc diện phải trích lập dự phòng, đó là “Khoản phải thu có khả năng không thu hồi được đúng hạn” thay vì chứng minh “khách hàng không có khả năng thanh toán” như quy định tại Thông tư số 228.
Đối tượng lập dự phòng cũng được quy định rõ hơn, bao gồm cả các Khoản doanh nghiệp đang cho vay và Khoản trái phiếu chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán mà doanh nghiệp đang sở hữu (Khoản 1, Điều 6). Cũng tại Khoản 1, Điều 6 này, Thông tư đã quy định rõ:
- Căn cứ để xác định là Khoản nợ phải thu khó đòi;
- Các điều kiện đảm bảo làm căn cứ trích lập dự phòng các Khoản phải thu. Trong đó, một hướng dẫn mang tính thực tiễn cao đã cởi trói cho Doanh nghiệp là trường hợp không có đối chiếu công nợ thì phải có văn bản đề nghị đối chiếu xác nhận công nợ hoặc văn bản đòi nợ do doanh nghiệp đã gửi (có dấu bưu điện hoặc xác nhận của đơn vị chuyển phát).
Ngoài nội dung trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, Thông tư còn có một số sửa đổi, bổ sung đáng chú ý khác.
Về dự phòng giảm giá hàng tồn kho, Thông tư bổ sung sửa đổi đối tượng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho bao gồm cả hàng mua đang đi đường, hàng gửi đi bán, hàng hoá kho bảo thuế; bỏ sản phẩm hàng hoá dịch vụ dở dang (Khoản 1, Điều 4).
Về dự phòng giảm giá các Khoản đầu tư, phạm vi đối tượng phải trích lập được mở rộng áp dụng cho cả các Khoản đầu tư khác của Doanh nghiệp bị suy giảm giá trị (Điều 2). Hơn nữa, thay vì tính mức trích lập dựa trên danh mục các chứng khoán bị suy giảm giá trị, Thông tư mới quy định mức trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư chứng khoán được tính trên toàn bộ giá trị đầu tư tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm và giá trị thực tế theo thị trường (Điều 5).