Tình huống: Công ty A ở nước ngoài (đã ký kiệp định tránh đánh thuế 2 lần với Việt Nam) ký kết hợp đồng dịch vụ chuyên môn với Công ty X ở Việt Nam. Công ty A cử chuyên gia B sang làm việc tại Việt Nam và sẽ chi trả toàn bộ chi phí của chuyên gia tại Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra: Xác định nghĩa vụ thuế TNCN của chuyên gia B đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam?
Trả lời:
Tại Khoản 1, Điều 2 Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội quy định: “Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam không phân biệt nơi nhận và trả thu nhập.” Như vậy chuyên gia B là đối tượng nộp thuế TNCN tại Việt Nam.
Do chuyên gia đến từ nước có ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam, vì vậy nghĩa vụ thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công do thực hiện công việc làm công tại Việt Nam của chuyên gia B được căn cứ theo quy định tại điều 31, mục 10, thông tư 205/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần như sau:
“Điều 31. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ dịch vụ cá nhân phụ thuộc
- Theo quy định tại Hiệp định, một cá nhân là đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam có thu nhập từ hoạt động làm công tại Việt Nam sẽ phải nộp thuế thu nhập đối với khoản thu nhập làm công đó tại Việt Nam theo các quy định hiện hành về thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam.
- Nếu cá nhân nêu tại Khoản 1 đồng thời thỏa mãn cả 3 điều kiện sau đây, tiền công thu được từ công việc thực hiện tại Việt Nam sẽ được miễn thuế thu nhập tại Việt Nam:
- a) Cá nhân đó có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong giai đoạn 12 tháng bắt đầu hoặc kết thúc trong năm tính thuế; và
- b) Chủ lao động không phải là đối tượng cư trú của Việt Nam bất kể tiền công đó được trả trực tiếp bởi chủ lao động hoặc thông qua một đối tượng đại diện cho chủ lao động; và
- c) Tiền công đó không do một cơ sở thường trú mà chủ lao động có tại Việt Nam chịu và phải trả”
Căn cứ vào khoản 1 và khoản 2 ta thấy, nghĩa vụ thuế TNCN của chuyên gia sẽ phụ thuộc vào yếu tố tiên quyết là xác định cá nhân đó thuộc đối tượng cư trú hay không cư trú ở Việt Nam.
Trường hợp 1: Chuyên gia đủ điều kiện là cá nhân cư trú ở Việt Nam. Các bạn xem thêm bài viết tại đây.
Trường hợp 2: Chuyên gia là đối tượng không cư tại Việt Nam (có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong giai đoạn 12 tháng bắt đầu hoặc kết thúc trong năm tính thuế- thoả mãn điểm a, khoản 2.)
Như vậy, khi đó chuyên gia sẽ được miễn thuế TNCN tại Việt Nam nếu thoả mãn các điều kiện tại điểm b và c như sau:
b./ Điều kiện thứ 2: Công ty A ở nước ngoài trả tiền công cho chuyên gia B có phải chủ lao động thực sự và không phải đối tượng cư trú tại Việt Nam không?
– Đối với điều kiện b liên quan đến chủ lao động thực sự: tại điểm 3, Mục 10, Điều 31 Thông tư số 205/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013 của Bộ Tài chính có hướng dẫn về khái niệm “chủ lao động thực sự”. Theo đó, thông thường một đối tượng được coi là chủ lao động thực sự trong các trường hợp sau đây:
+ Đối tượng đó có quyền đối với sản phẩm và dịch vụ do người lao động tạo ra và chịu trách nhiệm cũng như rủi ro đối với lao động đó;
+ Đối tượng đó đưa ra hướng dẫn và cung cấp phương tiện lao động cho người lao động;
+ Đối tượng đó có quyền kiểm soát và chịu trách nhiệm về địa điểm lao động.
– Đối với điều kiện Công ty A có phải đối tượng cư trú tại Việt Nam hay không, điều 1, khoản 3.2, thông tư 2015/2013/TT-BTC có quy định: “Tùy theo quy định cụ thể tại mỗi Hiệp định để xác định một đối tượng không phải là cá nhân là đối tượng cư trú của Việt Nam. Tại các Hiệp định thường quy định các tiêu thức dưới đây:
+Nếu đối tượng đó được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam thì đối tượng đó là đối tượng cư trú của Việt Nam; hoặc
+Nếu đối tượng đó có trụ sở chính tại Việt Nam thì đối tượng đó là đối tượng cư trú của Việt Nam; hoặc
+Nếu đối tượng đó có trụ sở điều hành thực tế tại Việt Nam thì đối tượng đó được coi là đối tượng cư trú của Việt Nam (trụ sở điều hành thực tế thường là nơi các cán bộ cao cấp hoặc ban lãnh đạo của doanh nghiệp tiến hành họp, xem xét, thảo luận và đưa ra các quyết định quản lý hoặc các quyết định về sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hoặc nơi các sổ sách kế toán quan trọng nhất được lưu giữ); hoặc
+Trường hợp đối tượng đó thành lập hoặc đăng ký tại cả hai nước hoặc có trụ sở chính, hoặc trụ sở điều hành thực tế tại cả hai nước thì nhà chức trách có thẩm quyền của Việt Nam và Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam sẽ xác định đối tượng đó chỉ là đối tượng cư trú của một trong hai nước thông qua thủ tục thỏa thuận song phương. Trường hợp hai Nước ký kết không đạt được thỏa thuận chung, đối tượng đó không được coi là đối tượng cư trú thuế của bất kỳ nước nào vì mục đích áp dụng Hiệp định.”
c./ Điều kiện thứ 3: Tiền công chuyên gia B nhận được không do 1 cơ sở thường trú của công ty A chịu và trả. Định nghĩa cơ sở thường trú được quy định tại khoản 1.2, điều 11, thông tư 205/2013/TT-BTC như sau: “Theo quy định tại Hiệp định, “cơ sở thường trú” là một cơ sở kinh doanh cố định của một doanh nghiệp, thông qua đó, doanh nghiệp thực hiện toàn bộ hay một phần hoạt động kinh doanh của mình.
Một doanh nghiệp của Nước ký kết được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam nếu hội đủ ba điều kiện dưới đây:
+Duy trì tại Việt Nam một “cơ sở” như một tòa nhà, một văn phòng hoặc một phần của tòa nhà hay văn phòng đó, một phương tiện hoặc thiết bị; và
+Cơ sở này có tính chất cố định, nghĩa là được thiết lập tại một địa điểm xác định và/hoặc được duy trì thường xuyên. Tính cố định của cơ sở kinh doanh không nhất thiết phụ thuộc vào việc cơ sở đó phải được gắn liền với một vị trí địa lý cụ thể trong một độ dài thời gian nhất định; và
+Doanh nghiệp tiến hành toàn bộ hoặc một phần hoạt động kinh doanh thông qua cơ sở này.”
Trong tình huống đặt ra, chuyên gia B được chính công ty A chịu và và trả thu nhập chứ không qua một cơ sở thường trú nào tại Việt Nam trả à điều kiện c được đáp ứng.
Việc xác định thoả mãn điều kiện b và c sẽ trở nên phức tạp hơn trong trường hợp Công ty ở Việt Nam là Công ty có quan hệ liên kết với Công ty A ở nước ngoài. Ví dụ, nếu Công ty A sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của Công ty X mà Công ty A có quyền định đoạt không theo nguyên tắc thị trường để thực hiện hoạt động kinh doanh của mình thì cũng có thể bị xem xét như là có một cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Nếu chuyên gia B và công ty A không đáp ứng được 1 trong 2 điều kiện b và c nêu trên, thu nhập của chuyên gia B do thực hiện công việc tại Việt Nam sẽ phải chịu thuế TNCN với mức thuế suất toàn phần 20% trên toàn bộ thu nhập nhận được của cá nhân không cư trú theo quy định tại chương 3, Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thuế TNCN.
Hồ sơ miễn thuế TNCN
Hồ sơ được quy định tại khoản 13, điều 16 khai thuế TNCN Thông tư số 156/2013/TT-BTC: Trường hợp cá nhân nước ngoài có thu nhập chịu thuế thuộc diện được miễn thuế, giảm thuế do áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ khác thì thực hiện các thủ tục sau:
Mười lăm ngày trước khi thực hiện hợp đồng với các tổ chức, cá nhân Việt Nam: cá nhân nước ngoài gửi cho bên Việt Nam ký kết hợp đồng hoặc chi trả thu nhập Hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định để nộp cho Cơ quan thuế quản lý trực tiếp của Bên Việt Nam cùng với hồ sơ khai thuế của lần khai thuế đầu tiên. Hồ sơ gồm:
– Thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định mẫu 01/HTQT ban hành kèm theo Thông tư này.
– Bản gốc (hoặc bản chụp đã được chứng thực) Giấy chứng nhận cư trú của nước cư trú do Cơ quan thuế cấp ngay trước năm thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định đã được hợp pháp hóa lãnh sự;
– Bản chụp Hợp đồng lao động với người sử dụng lao động ở nước ngoài và cá nhân ký cam kết chịu trách nhiệm vào bản chụp đó (nếu có).