Tùy theo hình thức đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam là trực tiếp hay gián tiếp mà doanh nghiệp hay nhà đầu tư phải mở tài khoản vốn đầu tư tương ứng. Các hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư, việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp hay trực tiếp đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành thông qua các văn bản: Thông tư số 06/2019/TT-NHNN và Thông tư số 05/2014/TT-NHNN.
1. Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp
Theo Khoản 5, Điều 1 Pháp lệnh ngày 18/3/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, các hoạt động đầu tư gián tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam phải được thực hiện bằng đồng Việt Nam, thông qua 01 (một) tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại 01 (một) ngân hàng được phép.
Các hình thức đầu tư gián tiếp được trình bày tại Điều 5 Thông tư số 05/2014/TT-NHNN và sửa đổi tại Khoản 2, Điều 14 Thông tư số 06/2019/TT-NHNN. Cụ thể bao gồm:
“1. Góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 06/2019/TT-NHNN ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.”
“2. Góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.”
“3. Mua, bán trái phiếu và các loại chứng khoán khác trên thị trường chứng khoán Việt Nam.”
“4. Mua bán các giấy tờ có giá khác bằng đồng Việt Nam do người cư trú là tổ chức được phép phát hành trên lãnh thổ Việt Nam.”
“5. Ủy thác đầu tư bằng đồng Việt Nam thông qua công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và các tổ chức được phép thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư theo các quy định của pháp luật về chứng khoán; ủy thác đầu tư bằng đồng Việt Nam thông qua tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.”
“6. Góp vốn, chuyển nhượng vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ theo quy định của pháp luật về chứng khoán.”
Đặc biệt, theo Điều 13 Thông tư số 06/2019/TT-NHNN, các doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài đã mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để góp vốn, mua cổ phần nếu vốn đầu tư nước ngoài chiếm từ 51% vốn điều lệ trở lên thì doanh nghiệp đó bắt buộc phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.
Ngược lại, đối với doanh nghiệp đã mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nhưng mức vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài chiếm dưới 51% vốn điều lệ thì doanh nghiệp đó phải đóng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp để nhà đầu tư ngoài mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp.
2. Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp
Theo Khoản 4, Điều 1 Pháp lệnh ngày 18/3/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, các tổ chức, cá nhân khi thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại ngân hàng được phép.
Như vậy, các đối tượng phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp là những đối tượng nào? Số lượng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp được mở là bao nhiêu? Đồng tiền giao dịch và các giao dịch được phép thực hiện là những gì?
2.1. Đối tượng phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp
Trong 5 nhóm đối tượng theo Điều 2 Thông tư số 06/2019/TT-NHNN, bên cạnh nhà đầu tư nước ngoài và các chủ thể có liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, khái niệm “Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài” đã được làm rõ tại Khoản 2 Điều 3 để phân định giữa hình thức đầu tư trực tiếp và hình thức đầu tư gián tiếp. Cụ thể:
2. “Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài” bao gồm:
a) Doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
b) Doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp, bao gồm:
(i) Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài) dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
(ii) Doanh nghiệp được thành lập sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
(iii) Doanh nghiệp được thành lập mới theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
c) Doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư.
2.2. Mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp
So với Thông tư số 19/2014/TT-NHNN hướng dẫn trước đó, một số điểm mới được quy định tại Điều 5 Thông tư thay thế số 06/2019/TT-NHNN có thể được tóm lược như sau:
- Bắt buộc phải mở tài khoản bằng ngoại tệ tại 01 ngân hàng để thực hiện các giao dịch thu – chi liên quan đến hoạt động đầu tư.
- Nếu đầu tư bằng đồng Việt Nam thì được mở 01 tài khoản vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng nơi đã mở tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ.
- Trường hợp thực hiện khoản vay bằng đồng tiền khác với loại ngoại tệ của tài khoản vốn đầu tư thì doanh nghiệp được mở thêm tài khoản vay tại chính ngân hàng nơi đã mở tài khoản đầu tư vốn bằng ngoại tệ.
Như vậy các quy định không thay đổi với giai đoạn trước liên quan đến việc:
- Tương ứng với mỗi loại ngoại tệ dùng để góp vốn chỉ được mở 01 tài khoản tại 01 ngân hàng;
- Riêng nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) hoặc nhiều dự án đối tác công tư (dự án PPP), phải mở tài khoản riêng biệt tương ứng với mỗi hợp đồng BCC, mỗi dự án PPP.
2.3. Các giao dịch được phép thực hiện trên tài khoản vốn đầu tư trực tiếp
Tùy thuộc vào đồng tiền giao dịch (ngoại tệ hay đồng Việt Nam) mà Điều 6, 7 của Thông tư liệt kê các giao dịch thu, chi được phép thực hiện trên tài khoản vốn đầu tư đã mở.