Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động mùa vụ, CTV, part-time. Trong trường hợp này, kế toán sẽ kê khai, quyết toán thuế TNCN cho lao động thời vụ như thế nào ? Bài viết sẽ hướng dẫn cách kê khai, tính thuế TNCN cho lao động thời vụ, tập trung vào 2 vấn đề chính như sau:
- Hướng dẫn cách tính thuế TNCN của lao động thời vụ và cam kết thu nhập thấp đối với các cá nhân không ký hợp đồng lao động, lao động ký hợp đồng dưới 03 tháng, hợp đồng thử việc;
- Trong trường hợp không có mã số thuế (MST) thu nhập cá nhân, doanh nghiệp có bị loại chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp không? Sự khác nhau giữa việc người lao động có MST TNCN và không có MST TNCN là gì?
Mời bạn đọc theo dõi bài viết chi tiết.
Xem thêm các bài viết liên quan:
[HỎI – ĐÁP] Thuế TNCN của lao động nước ngoài tại Việt Nam
Giải pháp kê khai thuế – Tối ưu thuế?
1. Hướng dẫn cách tính thuế TNCN cho lao động thời vụ và cam kết thu nhập thấp đối với các cá nhân không ký hợp đồng lao động, lao động ký hợp đồng dưới 03 tháng, hợp đồng thử việc.
Căn cứ pháp lý: điểm i, khoản 1, điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
Lao động thời vụ thuộc diện phải khấu trừ thuế TNCN trên 10% tổng thu nhập nhận được của người lao động trước khi chi trả thu nhập là:
- Lao động không ký hợp đồng lao động;
- Lao động ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng mà tổng mức trả thu nhập từ 2.000.000đ/lần trở lên (bao gồm cả hợp đồng thử việc dưới 03 tháng tách riêng với hợp đồng chính thức mà sau đó người lao động không ký hợp đồng chính thức)
Cách tính thuế Thu nhập cá nhân cho lao động thời vụ như sau:
Ví dụ tiền lương mà người lao động nhận được là 5 triệu đồng.
Thuế TNCN = 5.000.000 x 10% = 500.000 đồng (thu nhập tính thuế không được trừ đi các thu nhập thuộc diện không chịu thuế như tiền ăn giữa ca; tiền tăng ca theo quy định…)
Thu nhập người lao động nhận được sau thuế sẽ là: 4.500.000 đồng
Tuy nhiên, cũng theo điểm i, khoản 1 điều 25 nói trên, người lao động có thể không bị khấu trừ nếu ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế. Khi đó, người lao động có thể làm Cam kết thu nhập thấp theo mẫu 02/CK-TNCN được ban hành kèm với Thông tư 92/2015/TT-BTC nộp cho doanh nghiệp.
Điều kiện để làm cam kết thu nhập thấp là:
- Cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế; (nghĩa là tại thời điểm chi trả cá nhân không có thu nhập chịu thuế nào khác ngoài thu nhập từ tiền lương tiền công được chi trả ; cá nhân có thu nhập từ 02 nơi trở lên trong một năm nhưng tại các thời điểm khác nhau (ví dụ từ tháng 1-4 phát sinh thu nhập tại Công ty A; từ 5-12 tại Công ty B thì vẫn đáp ứng điều kiện này);
- Cá nhân đã phải đăng ký thuế và có mã số thuế TNCN tại thời điểm làm cam kết thu nhập. Thời điểm làm cam kết thu nhập thấp chính là thời điểm bắt đầu chi trả thu nhập cho người lao động.
Như vậy, ngay khi lao động thời vụ làm việc thì Doanh nghiệp phải kiểm tra thông tin cá nhân , nếu như lao động thời vụ chưa có mã số thuế cá nhân thì Doanh nghiệp phải đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân cho lao động đó để kịp thời làm cam kết thu nhập thấp ngay khi chi trả tiền lương, tiền công.
Không chỉ phục vụ cho việc làm cam kết thu nhập thấp, trách nhiệm của doanh nghiệp vẫn là phải mở mã số thuế thu nhập cá nhân cho người lao động theo khoản 5 điều 6 thông tư 95/2016/TT-BTC “cơ quan chi trả thu nhập phải đăng ký MST TNCN cho người lao động chậm nhất là 10 ngày làm việc trước thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN hàng năm.”
Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, thông thường sẽ là ngày 30 hoặc 31 tháng 3 hằng năm. Vì vậy, Doanh nghiệp sẽ phải nộp hồ sơ đăng ký mã số thuế TNCN trước ngày 20, 21 tháng 3.
2. Trong trường hợp không có mã số thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp có bị loại chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp không? Sự khác nhau giữa việc người lao động có MST TNCN và không có MST TNCN là gì?
Ảnh hưởng thuế TNCN:
- Lao động thời vụ không có mã số thuế thu nhập cá nhân thì không được làm cam kết thu nhập thấp, vì vậy doanh nghiệp bắt buộc phải khấu trừ 10% thuế TNCN của người lao động nếu thuộc các đối tượng nêu trên; à Doanh nghiệp sẽ bị truy thu thuế TNCN do không thực hiện đúng nghĩa vụ của tổ chức chi trả thu nhập khi Cơ quan thuế thanh, kiểm tra tại đơn vị.
- Cá nhân không được ủy quyền cho Công ty quyết toán, không được làm mẫu 02/UQ-QTT-TNCN mà phải tự đi quyết toán;
- Cá nhân không được đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc và không được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc khi tính thuế TNCN hàng tháng, quý hay quyết toán cuối năm;
- Cá nhân không được xin hoàn thuếTNCN mà được bù trừ số thuế nộp thừa vào kỳ sau khi phát sinh thuế TNCN bị khấu trừ;
- Doanh nghiệp bị xử phạt đối với hành vi khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế (Chi tiết theo Thông tư 166/TT-BTC).
Ảnh hưởng Thuế thu nhập doanh nghiệp:
Trong trường hợp hồ sơ lao động vẫn đầy đủ theo quy định tại các văn bản về thuế TNDN thì chi phí lương của lao động thời vụ không có mã số thuế thu nhập cá nhân vẫn được xem là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Tuy nhiên, trong trường hợp mà doanh nghiệp không kê khai thu nhập của các lao động thời vụ đầy đủ lên tờ khai quyết toán thuế TNCN thì các chi phí này có thể bị loại.
Căn cứ Điều 21, Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định:
“Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân và quyết toán thuế thu nhập cá nhân thay cho các cá nhân có ủy quyền không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.”
Như vậy, toàn bộ chi phí lương được hạch toán trong năm (hay nói cách khác là tất cả người lao động có tên trên bảng lương) đều phải đưa lên tờ khai quyết toán thuế TNCN cuối năm. Trong đó, thu nhập của các lao động có ký hợp đồng lao động trên 03 tháng được kê khai trên Phụ lục 05-1/BK-QTT-TNCN và thu nhập của các lao động không có hợp đồng hoặc lao động ký hợp đồng dưới 03 tháng được kê khai vào phụ lục 05-2/BK-QTT-TNCN.