Chi phí thanh lý tài sản cố định có được trừ khi tính thuế TNDN không? Chi phí tháo dỡ tài sản cố định, giá trị còn lại của tài sản cố định sau khi tháo dỡ được hạch toán như thế nào? Phần chênh lệch này có được tính là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN không? Sau đây IAC Hà Nội sẽ cùng các bạn trả lời các câu hỏi này.
1. Chi phí thanh lý tài sản cố định có được trừ khi tính thuế TNDN?
Theo quy định tại khoản 6, Điều 7. Thu nhập khác, TT 78/2014/TT-BTC về: Thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, thanh lý tài sản (trừ bất động sản), các loại giấy tờ có giá khác.
Khoản thu nhập này được xác định bằng (=) doanh thu thu được từ việc chuyển nhượng tài sản, thanh lý tài sản trừ (-) giá trị còn lại của tài sản chuyển nhượng, thanh lý tại thời điểm chuyển nhượng, thanh lý và các khoản chi phí được trừ liên quan đến việc chuyển nhượng, thanh lý tài sản.”
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đã có công văn 2590/TCT-CS ngày 26/6/2015 hướng dẫn cụ thể về chi phí thanh lý Tài sản cố định:
“Khi phá dỡ, thanh lý TSCĐ là bệ đỡ, móng máy mà chưa khấu hao hết, phần chênh lệch còn thiếu do chưa trích khấu hao hết và phần chi phí phá dỡ có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành.”
Như vậy, giá trị còn lại của tài sản được trừ vào thu nhập khác – được tính là chi phí hợp lý; tuy nhiên cần phải có hồ sơ đầy đủ để chứng minh quy trình phá dỡ tài sản.
2. Cách hạch toán giá trị còn lại của tài sản cố định khi bị dỡ bỏ
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 4, TT 45/2013/TT-BTC:
“Trường hợp sau khi mua TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất, doanh nghiệp dỡ bỏ hoặc huỷ bỏ để xây dựng mới thì giá trị quyền sử dụng đất phải xác định riêng và ghi nhận là TSCĐ vô hình nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này; nguyên giá của TSCĐ xây dựng mới được xác định là giá quyết toán công trình đầu tư xây dựng theo quy định tại Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành. Những tài sản dỡ bỏ hoặc huỷ bỏ được xử lý hạch toán theo quy định hiện hành đối với thanh lý tài sản cố định.”
Đồng thời, theo quy định tại thông tư 200/2014/TT-BTC giá trị còn lại của tài sản dỡ bỏ được hạch toán trên TK 811- Chi phí khác.
Như vậy, giá trị còn lại của tài sản dỡ bỏ được hạch toán trên TK 811 – Chi phí khác