Cưỡng chế nợ thuế là gì?
Cưỡng chế nợ thuế là một trong những biện pháp được Tổng cục Thuế áp dụng để xử lý tình trạng nợ thuế có khả năng thu hồi theo quy định của Luật Quản lý Thuế.
7 Biện pháp cưỡng chế nợ thuế
Theo quy định, đối với các khoản nợ trên 90 ngày, cơ quan thuế sẽ ban hành văn bản đôn đốc người nộp thuế, trong đó nêu cụ thể các biện pháp cưỡng chế sẽ áp dụng nếu người nộp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ. Tại Khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020 có 7 biện pháp cưỡng chế nợ thuế thu hồi được.
1. Trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản của người nộp thuế mở tại Kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác
Áp dụng đối với người nộp thuế có tài khoản tại kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác. Trường hợp người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức nhưng CSDL tại cơ quan thuế không có thông tin về tài khoản hoặc thông tin về tài khoản không chính xác thì cơ quan thuế phải thực hiện xác minh thông tin về tài khoản để thực hiện cưỡng chế.
2. Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập
Áp dụng đối với người nộp thuế là cá nhân được hưởng tiền lương, tiền công hoặc thu nhập từ:
- Cơ quan, tổ chức mà cá nhân thuộc biên chế;
- Cơ quan, tổ chức mà cả nhân ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 6 tháng trở lên;
- Cơ quan, tổ chức chi trả trợ cấp hưu trí, mất sức
3. Đề nghị cơ quan hải quan cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu
Áp dụng đối với trường hợp cơ quan thuế có đủ thông tin, tài liệu xác định người nộp thuế đang có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoặc đã thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa ít nhất một lần trong vòng 12 tháng.
4. Ngừng sử dụng hóa đơn
Áp dụng đối với đối tượng bị cưỡng chế không thành công những biện pháp như: trích tiền từ tài khoản tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng, yêu cầu phong tỏa tài khoản; hay khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập nhưng vẫn không thu đủ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, người nộp thuế vẫn có thể sử dụng từng hóa đơn lẻ, với điều kiện có văn bản cam kết thực hiện nộp ngay 18% “tiền tươi” là doanh thu trên hóa đơn lẻ được sử dụng vào ngân sách nhà nước.
5. Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên
Áp dụng đối với đối tượng bị cưỡng chế không thành công những biện pháp như: trích tiền từ tài khoản tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng, yêu cầu phong tỏa tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương, dừng làm thủ tục hải quan, ngừng sử dụng hóa đơn.
6. Thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ
Áp dụng đối với đối tượng bị cưỡng chế không thành công những biện pháp như: trích tiền từ tài khoản tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng, yêu cầu phong tỏa tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương, dừng làm thủ tục hải quan, ngừng sử dụng hóa đơn; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên.
7. Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Khi áp dụng không thành công với những biện pháp cưỡng chế trên, Tổng cục Thuế thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.
Tạm hoãn xuất cảnh để đòi nợ thuế
Căn cứ theo Khoản 5 Điều 36 Luật Xuất Nhập Cảnh số 49/2019/QH14; Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; Khoản 1 Điều 66 Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14: Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Như vậy, nếu DN chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế quá 90 ngày, cá nhân là đại diện pháp luật, không kể người Việt hay người nước ngoài, đều bị hoãn xuất cảnh.Biện pháp này không quy định số tiền tối thiểu bao nhiêu, 10 tỉ đồng hay vài chục triệu đồng đều bị tạm hoãn xuất cảnh.
Tra cứu trạng thái quyết định cấm xuất nhập cảnh: https://gdt.gov.vn/wps/portal/Home/nt/xc