email x
infor@iachanoi.com
phone x
0935661111
whatsapp x

WhatsApp Number

+84935661111

Message
Bản tin thuế tháng 7 năm 2019 - Dịch vụ Kiểm toán IAC Hà Nội

Bản tin thuế tháng 7 năm 2019

Bản tin thuế tháng 7 năm 2019

Bản tin thuế đã trở lại với các cập nhật về những văn bản mới ban hành hoặc có hiệu lực từ tháng 7 năm 2019. Trong số này, IACHN đem đến cho bạn một số điểm nổi bật cần lưu ý về vai trò của ngân hàng thương mại trong quản lý thu NSNN được quy định tại luật quản lý thuế. Bên cạnh đó, bản tin cũng tổng hợp các thay đổi khác về quản lý các giao lịch liên kết, hoạt động đầu tư FDI, một số vấn đề liên quan đến chế độ với người lao động.

 

1. Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13 tháng 06 năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2020

 

Bổ sung vai trò của Ngân hàng thương mại trong quản lý thu NSNN

Theo đó, Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác phải ghi mã số thuế trong hồ sơ mở tài khoản và các chứng từ giao dịch qua tài khoản của người nộp thuế (khoản 4 điều 35).

Cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản (khoản 2 điều 27).

Khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam  (khoản 3 điều 27).

Trích tiền để nộp thuế từ tài khoản của người nộp thuế, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế (khoản 4 điều 27).

Sửa đổi quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế bổ sung

Trước đây, người nộp thuế chỉ được khai  bổ sung hồ sơ khai thuế trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

Theo quy định mới tại khoản 2 điều 47, khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thì người nộp thuế vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế; cơ quan thuế thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại Điều 142 và Điều 143 của Luật này.

Sau khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế thì việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế được quy định chi tiết tại khoản 3 điều 47. Trường hợp khai bổ sung làm tăng số thuế phải nộp, giảm số thuế đã được hoàn, giảm số thuế được miễn, giảm thuế, người nộp thuế, DN có trách nhiệm nộp đủ số thuế còn thiếu, tiền chậm nộp. Đối với trường hợp này, DN không bị xử phạt về hành vi khai sai, nhưng phải nộp bổ sung 10% trên số tiền thuế khai thiếu.

Bổ sung quy định về kê khai, tính thuế đối với giao dịch liên kết

Một trong những điểm nổi bật của Luật Quản lý thuế là tăng cường quy định về cơ chế chuyển giá. Cụ thể, so với quy định hiện hành, Luật đã bổ sung quy định về nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết là nguyên tắc độc lập và nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức.” (khoản 5, điều 42). 

Bên cạnh đó, Luật cũng đã tạo khung pháp lý cho việc trao đổi thông tin về người nộp thuế, thông tin về các bên liên kết với cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác quản lý thuế đối với giao dịch liên kết (khoản 3 điều 12).

Bổ sung nguyên tắc mang tính định hướng đối với hoạt động thương mại điện tử

Theo đó, đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính (khoản 4 điều 42).

Bổ sung quyền lợi của người nộp thuế

Cụ thể, Luật đã mở rộng quyền của người nộp thuế như: được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số tiền thuế không được hoàn (điều 16).

 

2. Thông tư số 06/2019/TT-NHNN ngày 26/6/2019 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam

 

Làm rõ khái niệm Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, làm cơ sở để xác định đối tượng mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, cụ thể:

  • Doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
  • Doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp, bao gồm:
    • Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài) dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
    • Doanh nghiệp được thành lập sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;
    • Doanh nghiệp được thành lập mới theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
  • Doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư (khoản 3, điều 3).

Quy định cụ thể các nội dung thu, chi trên tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ và tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng đồng Việt Nam

Nội dung thu, chi chính của tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ bao gồm: (khoản 1, điều 6)

  • Thu chuyển khoản tiền góp vốn đầu tư trực tiếp; Chi chuyển khoản sang tài khoản thanh toán ngoại tệ; Chi bán ngoại tệ cho Tổ chức tín dụng để chuyển vào tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của chính Doanh nghiệp.
  • Thu, chi chuyển khoản tiền thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư theo quy định tại Điều 10;
  • Thu, chi chuyển khoản ngoại tệ mua từ tổ chức tín dụng được phép để chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài;
  • Thu, chi chuyển đổi ngoại tệ để thực hiện góp vốn đầu tư trong trường hợp đồng tiền góp vốn khác với đồng tiền của tài khoản vốn đầu tư trực tiếp đã mở;
  • Các khoản thu, chi chuyển khoản liên quan đến khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, trừ khoản vay nước ngoài mà đồng tiền đi vay không tương ứng với đồng tiền thực hiện góp vốn đầu tư.

Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khi chuyển tiền thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư

Thông tư quy định nhà đầu tư nước ngoài được phép chuyển tiền từ nước ngoài hoặc từ tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài đó mở tại ngân hàng được phép tại Việt Nam để thanh toán các chi phí hợp pháp trong giai đoạn đầu tư tại Việt Nam.

Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư có thể chuyển một phần thành vốn góp đầu tư, hoặc vốn vay hoặc chuyển trả cho nhà đầu tư nước ngoài bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam số tiền đã chuyển vào Việt Nam để thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư sau khi đã trừ đi các chi phí hợp pháp liên quan đến hoạt động chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam (điều 8).

 

3. Thông tư số 42/2019/TT-BTC ngày 12/7/2019 của Bộ Tài chính về việc bãi bỏ Thông tư số 128/2014/TT-BTC về chính sách giảm thuế TNCN cho người lao động làm việc trong khu kinh tế

Thông tư bãi bỏ chính sách giảm 50% thuế TNCN đối với người lao động làm việc trong khu kinh tế quy định tại Thông tư 128/2014/TT-BTC, áp dụng từ 26/8/2019.

Theo đó, những người lao động làm việc trong khu kinh tế sẽ phải nộp đủ 100% thuế TNCN, không còn được giảm 50% thuế như trước đây.

Mặc dù thông tư có hiệu lực kể từ ngày 26/8/2019, tuy nhiên, chính sách miễn giảm 50% này đã hết hiệu lực ngay sau khi Nghị định 29/2008/NĐ-CP hết hiệu lực, tức 10/7/2018.

 

4. Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 9/5/2019 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang

Từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp là 1.490.000 đồng/tháng.

Mức lương cơ sở là căn cứ để tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở như: Trợ cấp thai sản một lần (bằng 02 tháng lương cơ sở); Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, sau sinh…

Theo đó, mức trần đóng BHXH (bằng 20 tháng lương cơ sở) cũng sẽ tăng từ mức 27,8 triệu lên 29,8 triệu/tháng.

 

5. Quyết định số 777/QĐ-BHXH ngày 24 tháng 06 năm 2019 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc công bố thủ tục hành chính thay thế, bị bãi bỏ thuộc lĩnh vực giải quyết chế độ BHXH

Quyết định thay thế 18 thủ tục giải quyết chế độ BHXH trong đó có nhiều thủ tục quan trọng với các doanh nghiệp như: Giải quyết hưởng chế độ ốm đau; thai sản; trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trường hợp bị lần đầu); Ủy quyền lĩnh thay lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp….

admin

Website:

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

X