Theo Thông tư số 48/2019/TT-BTC ban hành ngày 08 tháng 08 năm 2019 hướng dẫn trích lập các Khoản dự phòng áp dụng cho năm tài chính 2019, doanh nghiệp sẽ không còn được phép trích lập dự phòng tổn thất đối với các Khoản đầu tư ra nước ngoài như quy định trong các giai đoạn trước.
Cụ thể Thông tư đã nêu rõ tại Khoản 2, Điều 2:
“Dự phòng tổn thất các khoản đầu tư: là dự phòng phần giá trị bị tổn thất có thể xảy ra do giảm giá các loại chứng khoán doanh nghiệp đang nắm giữ và dự phòng tổn thất có thể xảy ra do suy giảm giá trị khoản đầu tư khác của doanh nghiệp vào các tổ chức kinh tế nhận vốn góp (không bao gồm các khoản đầu tư ra nước ngoài).”
và Khoản 4, Điều 3:
“Doanh nghiệp không trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản đầu tư ra nước ngoài.”
Đáng chú ý, Khoản 5 Điều 8 đã quy định số dư dự phòng tổn thất các Khoản đầu tư ra nước ngoài mà doanh nghiệp đã trích lập (nếu có) bắt buộc phải hoàn nhập, ghi giảm chi phí tại thời điểm lập BCTC năm 2019.
Thông tư số 48/2019/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2019 và áp dụng từ năm tài chính 2019; bãi bỏ Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 07/12/2009 và các văn bản khác quy định về trích lập và sử dụng các khoản dự phòng trái với quy định của Thông tư này.
Bên cạnh nội dung trên, Thông tư còn có một số sửa đổi, bổ sung đáng chú ý khác.
Điểm cốt lõi nhất phải kể đến là về nguyên tắc chung trong trích lập dự phòng: Thông tư này hướng dẫn việc trích lập và xử lý các Khoản dự phòng làm cơ sở xác định Khoản chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, các quy định của Thông tư phục vụ cho mục đích thuế chứ không phải kế toán.
Thông tư số 48/2019/TT-BTC đã sửa đổi quy định về trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi thay thế cho Thông tư số 228/2009/TT-BTC. Thay vì chứng minh “khách hàng không có khả năng thanh toán”, doanh nghiệp sẽ dễ dàng xác định các Khoản phải thu thuộc diện phải trích lập dự phòng là “Khoản phải thu có khả năng không thu hồi được đúng hạn” (Khoản 3, Điều 2). Đối tượng lập dự phòng cũng được quy định rõ hơn, bao gồm cả các Khoản doanh nghiệp đang cho vay và Khoản trái phiếu chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán mà doanh nghiệp đang sở hữu (Khoản 1, Điều 6).
Về dự phòng giảm giá hàng tồn kho, Thông tư bổ sung sửa đổi đối tượng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho bao gồm cả hàng mua đang đi đường, hàng gửi đi bán, hàng hoá kho bảo thuế; bỏ sản phẩm hàng hoá dịch vụ dở dang (Khoản 1, Điều 4).
Về dự phòng giảm giá các Khoản đầu tư, tuy doanh nghiệp không được phép trích lập dự phòng tổn thất đối với các Khoản đầu tư ra nước ngoài, nhưng Thông tư đã mở rộng phạm vi đối tượng phải trích lập ra ngoài các Khoản đầu tư tài chính, tức là áp dụng cho cả các Khoản đầu tư khác của Doanh nghiệp bị suy giảm giá trị (Điều 2). Hơn nữa, công thức tính mức trích lập dự phòng có sự khác biệt so với Thông tư 228 (Điều 5).