1. Phạt DN bảo hiểm 100 triệu đồng nếu ép mua bảo hiểm nhân thọ
Nghị định 48/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số. Theo đó đưa ra mức phạt đối với hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe dưới mọi hình thức như sau:
- Đối với cá nhân vi phạm: Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng;
- Đối với tổ chức vi phạm: Phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng.
- Tổ chức vi phạm được hiểu là doanh nghiệp (DN) bảo hiểm nhân thọ, DN bảo hiểm phi nhân thọ, DN bảo hiểm sức khỏe, DN tái bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài,…
Nghị định 48/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/5/2018.
2. Người bán hàng đa cấp phải có cam kết mới được cấp thẻ Thành viên
Đây là nội dung mới được nhắc đến tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, chính thức áp dụng từ ngày 02/5/2018, thay thế Nghị định 42/2014/NĐ-CP.
Theo đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được cấp Thẻ thành viên cho những người đã hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản và có bản cam kết (Mẫu số 13 đính kèm – trước đây không quy định về bản cam kết này).
Theo quy định, thẻ Thành viên được cấp miễn phí cho người tham gia bán hàng đa cấp, bao gồm các nội dung:
- Tên doanh nghiệp;
- Thông tin liên hệ của doanh nghiệp;
- Ảnh của người tham gia bán hàng đa cấp;
Thông tin người tham gia bán hàng đa cấp, gồm: Tên, số CMND/CCCD hoặc hộ chiếu, mã số thành viên hoặc số thẻ, ngày cấp thẻ, nơi cấp thẻ.
Chi tiết nội dung cam kết xem tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP.
3. Phạt đến 5 triệu đồng nếu chứng từ kế toán dùng chữ ký khắc sẵn
Chính phủ ban hành Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập như sau:
– Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi:
Tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán;
Ký chứng từ bằng mực màu đỏ, mực phai màu, ký bằng dấu chữ ký khắc sẵn.
– Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đối với hành vi:
Ký chữ ký không đúng với mẫu chữ ký đã đăng ký;
Không dịch chứng từ kế toán bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt;
Không có đủ chữ ký theo chức danh trên chứng từ.
– Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đối với hành vi:
Giả mạo, khai man chứng từ kế toán;
Không lập chứng từ kế toán khi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
Thực hiện chi tiền mà chứng từ chi chưa có đầy đủ chữ ký.
Chi tiết xem thêm Nghị định 41/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2018.
4. Biểu mẫu dùng trong kê khai, báo cáo về hoạt động in ấn, photocopy
Chính phủ ban hành Nghị định 25/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in.
Theo đó đính kèm các biểu mẫu (gồm đơn, tờ khai, danh mục, giấy phép, giấy xác nhận,…) để thực hiện các thủ tục hành chính và chế độ thông tin báo cáo trong hoạt động in. Đơn cử như:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động in (Mẫu số 01);
- Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu cơ sở in (Mẫu số 03);
- Đơn đăng ký sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu (Mẫu số 05);
- Phiếu đặt in (Mẫu số 10);
- Báo cáo hoạt động in (Mẫu số 16);
- Báo cáo hoạt động cơ sở dịch vụ photocopy ( Mẫu số 18 ).
Nghị định 25/2018/NĐ-CP chính thức áp dụng từ ngày 01/5/2018.
5. Điểm mới các khoản chi được trừ và không được trừ khi tính thuế TNDN
Thông tư 25/2018/TT-BTC chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2018, hướng dẫn Nghị định 146/2017/NĐ-CP và sửa đổi Thông tư 78/2014/TT-BTC, 111/2013/TT-BTC.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến khoản chi được trừ, không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) như sau:
- Đối với khoản chi được trừ:
Bổ sung trường hợp DN có chuyển nhượng một phần vốn hoặc toàn bộ DN khác, nếu có chuyển giao tài sản thì DN nhận chuyển nhượng chỉ được trích khấu hao tài sản cố định vào chi phí được trừ đối với các tài sản chuyển giao đủ điều kiện trích khấu hao theo giá trị còn lại trên sổ sách kế toán tại DN chuyển nhượng.
Tăng mức chi được trừ lên tối đa 03 triệu đồng/tháng/người khi tính thuế TNDN đối với các khoản trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động,…
- Đối với khoản chi không được trừ: Khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động vượt định mức quy định hoặc không ghi cụ thể điều kiện được hưởng trong hồ sơ sẽ không được trừ khi tính thuế TNDN.