Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 của Bộ Tài chínhhướng dẫn nguyên tắc ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa; tuy nhiên không áp dụng cho việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp đối với NSNN
Xem thêm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa phải nộp BCTC cho những cơ quan nào?
1. Đối tượng điều chỉnh
Đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh bao gồm toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa (kể cả doanh nghiệp siêu nhỏ) thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế, ngoại trừ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, công ty đại chúng, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Chi tiết xem tại (Điều 2).
2. Nguyên tắc ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính
Về nguyên tắc, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện việc ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính theo quy định tại Thông tư này, song vẫn có thể lựa chọn áp dụng theo chế độ kế toán dành cho doanh nghiệp nói chung quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC. Tuy nhiên, khi lựa chọn áp dụng theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC hoặc áp dụng trở lại theo Thông tư này thì cần phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý được biết và phải thực hiện nhất quán trong năm tài chính (khoản 1 Điều 3)
Trường hợp trong năm tài chính doanh nghiệp có những thay đổi dẫn đến không còn thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư này thì vẫn thực hiện cho đến hết năm tài chính hiện tại, sang năm tài chính kế tiếp mới chuyển đổi (khoản 3 Điều 3)
Các mẫu chứng từ kế toán, mẫu sổ kế toán ban hành tại Thông tư này đều thuộc loại hướng dẫn (tham khảo), không bắt buộc. Riêng báo cáo tài chính ban hành tại Phụ lục 2 là mẫu bắt buộc, nếu cần sửa đổi, bổ sung mẫu hoặc các chỉ tiêu trên mẫu thì phải được sự chấp thuận của Bộ Tài chính trước khi thực hiện (Điều 10)
3. Hiệu lực
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
LƯU Ý: Những quy định trái với Thông tư này đều bãi bỏ. Thông tư này thay thế các nội dung áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC ngày 14/9/2006 và Thông tư số 138/2011/TT-BTC ngày 4/10/2011.
Doanh nghiệp nhỏ:
I. Nông, lâm nghiệp và thủy sản: vốn dưới 20 tỷ, lao động từ 10 – 200 người
II. Công nghiệp và xây dựng : vốn dưới 20 tỷ, lao động từ 10 – 200 người
III. Thương mại và dịch vụ : vốn dưới 10 tỷ, lao động từ 10 – 50 người
(Thấp hơn mức của doanh nghiệp nhỏ được xem là doanh nghiệp siêu nhỏ)
Doanh nghiệp vừa:
I. Nông, lâm nghiệp và thủy sản: vốn từ 20 – 100 tỷ, lao động từ 200 – 300 người
II. Công nghiệp và xây dựng : vốn từ 20 – 100 tỷ, lao động từ 200 – 300 người
III. Thương mại và dịch vụ : vốn từ 10 – 50 tỷ, lao động từ 50 – 100 người
|